Chiến tranh Pháp-Đức (1870 - 1871) Rudolph Otto von Budritzki

Trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (18701871), ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh của Sư đoàn Bộ binh Cận vệ số 2, với cấp bậc Trung tướng. Trên cương vị chỉ huy sư đoàn này, ông đã tham chiến trong trận Gravelotte và gặt hái thắng lợi tại Sedan, trước khi Quân đoàn Vệ binh được thuyên chuyển đến Paris. Tại đây, ông đã phát động cuộc phản công thắng lợi vào ngày 30 tháng 10 năm 1870 trong trận Le Bourget lần thứ nhất. Buổi sáng hôm đó, với bảy tiểu đoàn Cận vệ, Budritzki đã tập kích quân Pháp, và một cuộc giao tranh đẫm máu bùng nổ. Quân Phổ chiến đấu dũng mãnh, nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Pháp. Trong thời khắc nảy lửa nhất của trận chiến, khi mà người Phổ có nguy cơ bị đánh bại, tướng Budritzki phi ngựa về phía trước Trung đoàn Vương hậu Elisabeth vốn đang tiến bước, và nhảy xuống ngựa, giành lấy cờ hiệu của trung đoàn này để đốc thúc những người lính ném lựu đạn của trung đoàn ồ ạt xung phong. Xung quanh ông, Đại tá von Zaluskowski, Tư lệnh của Trung đoàn Elisabeth, và Bá tước Waldersee, người chỉ mới tái nhập ngũ vài ngày trước đó sau khi vết thương của mình ở Gravelotte được chữa trị, lần lượt tử trận. Những tổn thất này gây cho người Đức phẫn nộ và họ tấn công hết sức ác liệt, quét sạch quân Pháp ra khỏi làng Le Bourget. Các lực lượng của Pháp chịu thiệt hại nặng nề trong trận chiến này. Cảnh vị tướng Phổ phất ngọn hiệu kỳ của Trung đoàn Elisabeth đã được thể hiện trong một số bức tranh và bưu thiếp.

Mặc dù báo chí hết lời ca ngợi chiến công của tướng Budritzki, ông không được giao một chức vụ chỉ huy độc lập nào sau chiến thắng của mình tại Bourget. Điều đó cho thấy rằng chủ nghĩa anh hùng không đủ để được tín nhiệm với một chức chỉ huy quân đoàn ở Phổ.[6] Bên cạnh đó, chiến công của Budritzki tại Le Bourget đã khiến cho ông được phong tặng Huân chương Quân công của Phổ vào ngày 1 tháng 11 năm 1870.

Sau khi cuộc chiến chấm dứt, vào năm 1871, Budritzki là thành viên của một ủy ban có vai trò cố vấn về quân luật cho Đế quốc Đức. Vào năm 1875, do vấn đề sức khỏe, ông nghỉ hưu và nhân dịp này ông được lên quân hàm Thượng tướng Bộ binh. Không lâu sau đó, ông từ trần vào ngày 15 tháng 2 năm 1876kinh đô Berlin.